Quyền tác giả bao gồm những quyền nào? Pháp luật quy định như thế nào về việc chuyển nhượng quyền tác giả? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Quyền tác giả là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009  thì: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

Nội dung quyền tác giả

Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:

– Đặt tên cho tác phẩm;

– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

– Làm tác phẩm phái sinh;

– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

– Sao chép tác phẩm;

– Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

– Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Chuyển nhượng quyền tác giả

Luật Sở hữu trí tuệ quy định cụ thể về việc chuyển nhượng quyền tác giả như sau:

Điều kiện chuyển nhượng quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả chỉ được chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân.

Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thỏa thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả

Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả như sau:

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả phải được lập thành văn bản.

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
  • Căn cứ chuyển nhượng;
  • Giá, phương thức thanh toán;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Như vậy, pháp luật hiện hành quy định về hình thức và các điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Ngoài các điều khoản này, các bên có thể thỏa thuận về các điều khoản khác liên quan.

Hồ sơ chuyển nhượng quyền tác giả

Hồ sơ chuyển nhượng quyền tác giả bao gồm những tài liệu sau:

– Đơn đăng ký chuyển nhượng quyền tác giả

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, hợp đồng tặng cho quyền tác giả

– Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đã được cấp kèm theo bản lưu tác phẩm

– Hợp đồng ủy quyền (nếu có)

– Bản sao đăng ký kinh doanh đối với bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao trong trường hợp hai bên là công ty hoặc bản sao chứng minh thư nhân dân trong trường hợp hai bên là cá nhân.

Trên đây là nội dung bài viết Quyền tác giả và chuyển nhượng quyền tác giả mà Luật LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi. 0967.59.1128 hoặc 024.665.65.366

Xem thêm:

Hoạt động nhượng quyền trong nước

Thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả theo quy định hiện nay

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *