Sức mạnh thị trường đáng kể là một trong các tiêu chí được sử dụng để xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp. Vậy sức mạnh thị trường đáng kể là gì? Các tiêu chí được sử dụng để xác định sức mạnh thị trường đáng kể? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Khái niệm sức mạnh thị trường đáng kể
Sức mạnh thị trường đáng kể được hiểu là sức mạnh thị trường ở một mức độ đủ để làm cho doanh nghiệp nắm giữ không phải đối mặt hay ít phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ khác trên thị trường, hoặc ít chịu sức ép từ việc gia nhập ngành của các đối thủ tiềm năng.
Doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể có thể hành động một cách tương đối độc lập với đối thủ cạnh tranh cũng như là với người tiêu dùng và có khả năng tăng và duy trì mức giá cao hơn mức giá được xác định trong thị trường cạnh tranh hoặc từ việc hạn chế sản lượng hay chất lượng dưới mức của thị trường cạnh tranh trong một khoảng thời gian đáng kể để gia tăng lợi nhuận.
Xác định sức mạnh thị trường đáng kể
Điều 26 Luật cạnh tranh 2018 quy định các tiêu chí để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, đồng thời Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định nội dung xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp như sau:
– Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan: được đánh giá trên cơ sở so sánh thị phần giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan.
– Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp: được đánh giá căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh.
– Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác: được đánh giá dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường.
– Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ: được đánh giá căn cứ vào ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh nhờ việc nắm giữ, kiểm soát mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
– Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật: được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh.
– Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng: được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
– Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ: được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
– Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác: được xác định dựa trên chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng, doanh nghiệp chuyển sang mua, bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan.
– Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh: được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong điều kiện cụ thể của ngành, lĩnh vực đó.
Trên đây là nội dung bài viết Xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm
Xác định thị trường liên quan theo Luật cạnh tranh 2018