Xác định thị trường liên quan được xem là một bước quan trọng, mang tính quyết định đối với mỗi vụ việc hạn chế cạnh tranh. Vậy thị trường liên quan là gì? Thị trường liên quan được xác định như thế nào? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Thị trường liên quan là gì?

Một cách khái quát, có thể hiểu thị trường liên quan là tập hợp tất cả các sản phẩm hay dịch vụ có thể thay thế cho nhau trong một khu vực địa lý riêng biệt nhất định.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật cạnh tranh 2018 thì thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong đó:

– Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.

– Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.

Ý nghĩa của việc xác định thị trường liên quan

Đánh giá về tầm quan trọng của việc xác định thị trường liên quan, Cục thương mại công bằng của Anh đã nhận định: “Định nghĩa thị trường là một giai đoạn rất quan trọng trong bất cứ cuộc điều tra nào về hành vi lạm dụng. Bởi lẽ, thị phần chỉ được tính toán sau khi những ranh giới của thị trường đã được xác định. Do đó, nếu thị trường được xác định sai, thì tất cả những phân tích tiếp theo dựa trên thị phần hoặc cấu trúc thị trường đều không hoàn thiện”

Như vậy, xác định thị trường liên quan chính sẽ giúp xác định ranh giới diễn ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, việc xác định này sẽ hỗ trợ việc tính toán thị phần của từng doanh nghiệp trong vụ việc cạnh tranh, qua đó xác định được sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp có liên quan đối với hành vi hạn chế cạnh tranh.

Cách thức xác định thị trường liên quan

Thị trường liên quan theo quy định của Luật cạnh tranh 2018 được xác định dựa trên sự kết hợp của hai yếu tố là thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan

Thị trường sản phẩm liên quan

Để có thể xác định thuộc tính có thể thay thế cho nhau của hàng hóa, dịch vụ, Luật cạnh tranh Việt Nam nhìn nhận từ góc độ của người tiêu dùng trong đó xem xét tính thay thế cho nhau về mục đích sử dụng và đặc tính của sản phẩm (xem xét khả năng thay thế hợp lý trong việc sử dụng) và khả năng thay thế về giá cả của sản phẩm (độ đàn hồi chéo của cầu). Cụ thể:

Đối với thuộc tính có thể thay thế cho nhau về đặc tính

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP thì hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau:

– Đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ;

– Thành phần của hàng hóa, dịch vụ;

– Tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa;

– Tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ;

– Tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng;

– Khả năng hấp thu của người sử dụng;

– Tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ.

Đối với thuộc tính có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng

Căn cứ vào khoản 3 Điều 4 Nghị định 35/2020/NĐ-CP thì Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau”.

Như vậy, mục đích sử dụng là yếu tố cơ bản được nhìn nhận từ nhu cầu tiêu dùng của người sử dụng. Các sản phẩm cho dù có khác nhau nhưng nếu đáp ứng cho cùng một nhu cầu sử dụng thì được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng.

Đối với thuộc tính có thể thay thế cho nhau về giá cả

Thuộc tính có thể thay thế cho nhau về giá cả được xác định dựa trên sự chênh lệch về giá của hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự thì các hàng hóa, dịch vụ đó được xác định là có thể thay thế cho nhau về giá cả.

Trong trường hợp có sự chênh lệch nhau trên 5% thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành khảo sát phản ứng của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ đang xem xét (phép thử SSNIP). Theo đó, việc khảo sát sẽ được tiến hành với 1000 người theo mẫu thống kê ngẫu nhiên từ người tiêu dùng thực tế tại khu vực địa lý liên quan, nội dung khảo sát là với giả định có sự tăng giá trên 10% của một sản phẩm so với giá hiện tại và thời hạn tăng giá là 6 tháng liên tiếp thì có bao nhiêu khách hàng đang dùng sản phẩm, dịch vụ đó chuyển sang dùng sản phẩm, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng. Nếu trên 35% lượng mẫu bày tỏ thái độ sẵn sàng chuyển sang dùng sản phẩm, dịch vụ khác thì sản phẩm, dịch vụ được thêm vào trong phạm vi của một thị trường liên quan.

Thị trường địa lý liên quan

Thị trường địa lý liên quan theo quy định của Luật cạnh tranh 2018 là khu vực địa lý nơi có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối sản phẩm liên quan và khu vực địa lý lân cận đủ gần có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác có thể tham gia phân phối sản phẩm liên quan trên khu vực địa lý đó.

Điều 7 Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định căn cứ để xác định ranh giới của thị trường địa lý liên quan như sau:

– Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hóa, dịch vụ liên quan;

– Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý quy định tại điểm a khoản này để có thể tham gia cạnh tranh với các hàng hóa, dịch vụ liên quan trên khu vực địa lý đó;

– Chi phí vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

– Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

– Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường;

– Tập quán tiêu dùng;

– Chi phí, thời gian để khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ;

Khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây:

– Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá của hàng hóa, dịch vụ tăng không quá 10%;

– Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường.

Trên đây là nội dung bài viết Xác định thị trường liên quan theo Luật cạnh tranh 2018. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.

Xem thêm:

Tiêu chí xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *