Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy hồ sơ và thủ tục đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng được quy định như thế nào? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng

Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng bao gồm:

– Tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình.

– Tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

– Đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng trong trường hợp này.

Đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng

Đơn đăng ký bảo hộ gồm các tài liệu sau đây:

– Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

– Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật theo mẫu quy định;

– Giấy ủy quyền, nếu đơn được nộp thông qua đại diện;

– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký;

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

– Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Lưu ý:

– Đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ giao dịch giữa người đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng yêu cầu:

  • Giấy ủy quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn; Giấy chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên, nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác);
  • Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

– Mỗi đơn chỉ được đăng ký bảo hộ cho một giống cây trồng.

Trình tự đăng ký quyền đối với giống cây trồng

Đăng ký quyền đối với giống cây trồng gồm các bước sau:

Bước 1. Nộp đơn

Tổ chức, cá nhân nộp Đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng cho Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới – Cục Trồng trot.

Bước 2. Thẩm định hình thức đơn

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đơn, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định hình thức đơn để xác định tính hợp lệ của đơn.

Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thực hiện các thủ tục sau đây:

– Thông báo từ chối chấp nhận đơn và nêu rõ lý do từ chối đối với trường hợp giống cây trồng nêu trong đơn không thuộc loài cây trồng có tên trong Danh mục loài cây trồng được bảo hộ hoặc đơn do người không có quyền đăng ký nộp, kể cả trường hợp quyền đăng ký thuộc nhiều tổ chức, cá nhân, nhưng một hoặc nhiều người trong số đó không đồng ý thực hiện việc đăng ký;

– Thông báo cho người đăng ký khắc phục những thiếu sót trong trường hợp đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức theo quy định và ấn định trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người đăng ký phải khắc phục các thiếu sót đó;

– Thông báo từ chối chấp nhận đơn, nếu người đăng ký không khắc phục thiếu sót hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối;

– Thông báo chấp nhận đơn, yêu cầu người đăng ký gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật và thẩm định nội dung đơn nếu đơn hợp lệ hoặc người đăng ký khắc phục thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối thông báo.

Bước 3. Công bố đơn

Trường hợp đơn được chấp nhận hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày đơn được chấp nhận.

Nội dung công bố đơn gồm số đơn, ngày nộp đơn, đại diện (nếu có), người đăng ký, chủ sở hữu, tên giống cây trồng, tên loài cây trồng, ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Bước 4. Thẩm định nội dung đơn

Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định nội dung đối với đơn được chấp nhận là hợp lệ. Nội dung thẩm định bao gồm:

– Thẩm định tính mới và tên gọi phù hợp của giống cây trồng;

– Thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

Bước 5. Cấp văn bằng/ Từ chối cấp văn bằng

Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới làm thủ tục cấp hoặc từ chối cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ nếu được cấp văn bằng.

Trên đây là nội dung bài viết Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.

Xem thêm:

Chủ thể quyền đối với giống cây trồng theo quy định hiện nay

Điều kiện bảo hộ quyền đối với giống cây trồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *