Thông tin bí mật trong kinh doanh được coi là một loại tài sản. Vậy thông tin bí mật trong kinh doanh là gì và thông tin này có những đặc điểm gì? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Khái niệm thông tin bí mật trong kinh doanh
Thông tin bí mật (Undisclosed Information) nhìn chung được hiểu là tất cả những thông tin có tính chất bí mật, có giá trị thương mại và được chủ sở hữu kiểm soát hợp pháp thông tin đó và được giữ bí mật bằng biện pháp phù hợp với thực tế. Thông tin bí mật (Undisclosed Information) bao gồm: Bí quyết (Know-how), bí mật thương mại (Trade secret), thông tin kín, bí mật kinh doanh (Business secret) – là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam.
Thông tin bí mật theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Hiệp định TRIPS, là một trong các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ mà các nước thành viên của WTO phải có nghĩa vụ phải bảo hộ. Tuy nhiên, trong các quy định của Hiệp định TRIPS không tìm thấy sự giải thích cụ thể về thông tin bí mật, thay vào đó hiệp định chỉ đưa ra những tiêu chí để thông tin bí mật được bảo hộ. Theo khoản 2 Điều 39 của hiệp định TRIPS quy định thông tin bí mật được bảo hộ khi thỏa mãn 3 điều kiện:
– Có tính chất bí mật nghĩa là các thông tin đó không phổ biến hoặc không dễ dàng tiếp cận thông tin đó dưới dạng thông tin toàn bộ, tức là dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác mọi chi tiết của thông tin đó với những người thường xuyên giải quyết với các loại thông tin như vậy;
– Có giá trị thương mại vì nó có tính chất bí mật;
– Được người kiểm soát hợp pháp thông tin đó giữ bí mật bằng các biện pháp hợp lý.
Luật cạnh tranh Việt Nam không định nghĩa thế nào là thông tin bí mật trong kinh doanh một cách cụ thể mà chỉ liệt kê các hình thức vi phạm. Đó là các hành vi như tiếp cận, thu thập, tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh bằng các cách thức không phù hợp (không được sự cho phép hoặc chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó).
Đặc điểm hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh
Thứ nhất, thông tin đó không phải là hiểu biết thông thường
Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi hoạt động kinh doanh đều quan tâm đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân cũng như thông tin doanh nghiệp và không muốn phải công bố thông tin ra công chúng. Bởi công bố thông tin đồng nghĩa với việc tính bảo mật không được duy trì, và công chúng có thể biết được các thông tin liên quan đến doanh nghiệp và chủ sở hữu công ty. Tuy nhiên, có những trường hợp thông tin do doanh nghiệp cung cấp được niêm yết công khai tại trụ sở doanh nghiệp, trên website của doanh nghiệp mà doanh nghiệp khác sử dụng thì không phải hành vi vi phạm (ví dụ các thông tin doanh nghiệp phải công khai như quyết định giải thể của công ty, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện,…). Bởi vì doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo công khai cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác biết đến sự ra đời, những biến động, thay đổi thông tin của doanh nghiệp, là một biện pháp để các cơ quan quản lý những biến động của doanh nghiệp trên thị trường.
Thứ hai, có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ được hoặc không sử dụng thông tin đó.
Giá trị kinh tế mà thông tin đem lại xuất phát từ yếu tố bí mật, không phổ biến của nó. Một khi thông tin được tiết lộ, ai cũng biết, giá trị thương mại của thông tin và lợi thế cạnh tranh nó đem lại cho chủ sở hữu sẽ không còn. Đặc điểm này cũng đòi hỏi thông tin phải có giá trị ứng dụng về mặt kinh doanh nói chung, không nhất thiết phải gắn liền với tiến bộ khoa học – công nghệ và tiêu chí này sẽ được đánh giá trên hoàn cảnh thực tế. Đây cũng là một khía cạnh giải thích cho việc đặt thông tin bí mật trong kinh doanh vào khuôn khổ điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ ba, được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được
Đặc điểm cuối cùng này đòi hỏi chủ sở hữu hay người nắm giữ bí mật kinh doanh hợp pháp (thông qua hợp đồng, ủy quyền) phải bảo mật thông tin bằng các biện pháp cần thiết, nhằm ngăn cản công chúng và các đối tượng quan tâm tiếp cận, tìm hiểu, thu thập và phổ biến thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là về chủ quan, bản thân chủ sở hữu cũng phải ý thức được tính chất bí mật của thông tin. Nếu chủ sở hữu không có ý thức bảo mật, vô ý do cẩu thả hoặc chủ động cung cấp thông tin cho người khác, thì cho dù bí mật kinh doanh có giá trị thực sự, pháp luật cũng sẽ từ chối bảo hộ.
Trên đây là nội dung bài viết Khái niệm, đặc điểm thông tin bí mật trong kinh doanh. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Bí mật kinh doanh là gì? Quy định của luật SHTT về bí mật kinh doanh
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh