Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật cạnh tranh 2018. Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ những vấn đề liên quan đến quy định của Luật cạnh tranh 2018 về hành vi này. 

Chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

Trên thị trường, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh chủ yếu là doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng là đối tượng áp dụng của Luật cạnh tranh năm 2018.

Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh còn có cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan. Thực tiễn cho thấy tình trạng cạnh tranh trên thị trường có thể bị xáo trộn do hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất là các cá nhân có ảnh hưởng đến cộng đồng, các tổ chức phi kinh doanh gây ra. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh đều là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh 2018.

Có thể thấy, Luật cạnh tranh năm 2018 quy định đối tượng áp dụng mở rộng hơn so với Luật Cạnh tranh năm 2004, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.

Các hình thức xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức sau:

Thứ nhất, hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó

Các thông tin bí mật trong kinh doanh mang lại lợi thế cho chủ sở hữu, vì vậy để đảm bảo tính bí mật của thông tin, người sử hữu phải áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết. Theo pháp luật Việt Nam, hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh có được coi là hành vi trái pháp luật hay không, phụ thuộc vào việc khi thực hiện hành vi đó, người thực hiện có chống lại các biện pháp bảo mật không. Việc chống lại các biện pháp bảo mật là điều kiện để nhận diện hành vi vi phạm này. Có thể có trường hợp, cùng một hành vi, cùng một cách thức tiếp cận, nhưng căn cứ vào sự bảo mật của chủ sở hữu mà có thể có hệ quả khác nhau. Hành vi nào chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu mới bị coi là hành vi xâm phạm.

Pháp luật quy định việc tiếp cận, thu thập thông tin bị coi là xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh khi nó chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó. Theo đó, các hành vi tiếp cận, thu thập bị coi là xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh khi nó được thực hiện với lỗi cố ý.

Thứ hai, hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó

Việc sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh thuộc về chủ sở hữu và những người được chủ sở hữu cho phép. Đối với người muốn sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh của chủ sở hữu, người này đã biết, hoặc có nghĩa vụ phải biết rằng việc sử dụng thông tin bí mật đó không được sự cho phép của chủ sở hữu mà vẫn muốn sử dụng thì xem là xâm phạm. Dù với mục đích, động cơ gì, căn cứ trên sự không cho phép của chủ sở hữu để xác định hành vi sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh của doanh nghiệp khác là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. 

Hành vi của chủ thể tiết lộ thông tin bí mật mà không được phép của chủ sở hữu được biểu hiện qua các tình huống: Có thể người có được thông tin bí mật trong kinh doanh thông qua hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhưng lại không thực hiện các biện pháp bảo mật đối với thông tin bí mật đó, họ tiết lộ cho mọi người biết; Cũng có thể người tiết lộ lại là người nằm trong khâu sản xuất, dây chuyền tạo nên thông tin bí mật trong kinh doanh, vì lợi cho bản thân mà không giữ bí mật; Hoặc việc rò rỉ thông qua những nhân viên nghỉ hưu, những người nghỉ việc, những thông tin bí mật đó còn được họ biết, ghi nhớ và mang đi khi rời khỏi cơ quan nơi mình làm việc;…

Xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, do đó việc xử lý vi phạm đối với hành vi này sẽ theo các quy định về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Về mức xử lý vi phạm

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh được quy định như sau:

– Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: 

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

– Hình thức xử phạt bổ sung:

  • Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
  • Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Về thẩm quyền xử lý vi phạm

Do tính chất đặc thù của pháp luật cạnh tranh là có sự pha trộn giữa “luật công” và “luật tư”, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh là sự pha trộn giữa thủ tục hành chính và thủ tục tư pháp, vụ việc cạnh tranh sẽ được khởi xướng bởi sự chủ động nhập cuộc của cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc từ các khiếu nại hay khởi kiện của các tổ chức, cá nhân bị vi phạm.

Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, theo đó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thời hạn 15 ngày làm việc để xem xét, đánh giá và ra quyết định xử lý đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh kể từ khi kết thúc giai đoạn điều tra, sau khi hồ sơ vụ việc, báo cáo điều tra và kết luận điều tra được chuyển đến.

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có các thẩm quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền; áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung; áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung bài viết Quy định về xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh theo Luật cạnh tranh 2018. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.

Xem thêm:

Xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh

Khái niệm, đặc điểm thông tin bí mật trong kinh doanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *