Tổ chức, cá nhân khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm phải nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, kèm theo đó là các tài liệu, chứng cứ liên quan. Vậy đơn yêu cầu xử lý xâm phạm bao gồm những nội dung gì? Tài liệu, chứng cứ kèm theo bao gồm những gì? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm
Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu;
– Tên, địa chỉ của người yêu cầu xử lý xâm phạm; họ tên người đại diện, nếu yêu cầu được thực hiện thông qua người đại diện;
– Tên cơ quan nhận đơn yêu cầu;
– Tên, địa chỉ của người xâm phạm; tên, địa chỉ của người bị nghi ngờ là người xâm phạm trong trường hợp yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm;
– Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan (nếu có);
– Tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
– Thông tin tóm tắt về quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm: loại quyền, căn cứ phát sinh quyền, tóm tắt về đối tượng quyền;
– Thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm: ngày, tháng, năm và nơi xảy ra xâm phạm, mô tả vắn tắt về sản phẩm xâm phạm, hành vi xâm phạm và các thông tin khác (nếu có).
– Nội dung yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý xâm phạm;
– Danh mục các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn;
– Chữ ký của người làm đơn và đóng dấu (nếu có).
Lưu ý: Đối với đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm thì ngoài những thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm như ngày, tháng, năm và nơi xảy ra xâm phạm, mô tả vắn tắt về sản phẩm xâm phạm, hành vi xâm phạm… cần có thêm thông tin về cách thức xuất khẩu, nhập khẩu, nước xuất khẩu, cách thức đóng gói, người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, đặc điểm phân biệt hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp với hàng hóa xâm phạm; nguy cơ xảy ra các tình huống cần áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt và các thông tin khác (nếu có).
Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm
Người yêu cầu xử lý xâm phạm phải gửi kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm các tài liệu, chứng cứ sau đây để chứng minh yêu cầu của mình:
Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền
Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng, quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng đã được đăng ký, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là một trong các loại tài liệu sau đây:
– Bản sao Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Bằng bảo hộ giống cây trồng, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đó được chứng thực theo quy định;
– Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền đăng ký các đối tượng đó cấp.
Đối với nhãn hiệu được đăng ký quốc tế, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là bản sao Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định.
Đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là các tài liệu, hiện vật, thông tin về căn cứ phát sinh quyền, xác lập quyền được quy định cụ thể như sau:
– Đối với quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng không đăng ký: bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, kèm theo các tài liệu khác chứng minh việc tạo ra, công bố, phổ biến các đối tượng nói trên và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có);
– Đối với bí mật kinh doanh: bản mô tả nội dung, hình thức lưu giữ, cách thức bảo vệ và phương thức có được bí mật kinh doanh;
– Đối với tên thương mại: bản mô tả nội dung, hình thức sử dụng và quá trình sử dụng tên thương mại;
– Đối với nhãn hiệu nổi tiếng: tài liệu thể hiện các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng và giải trình về quá trình sử dụng để nhãn hiệu trở thành nổi tiếng.
Trong trường hợp người yêu cầu xử lý xâm phạm là người được chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, được thừa kế hoặc kế thừa đối tượng quyền sở hữu trí tuệ thì ngoài các tài liệu trên, còn phải xuất trình bản gốc hoặc bản sao hợp pháp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ hoặc văn bản xác nhận quyền thừa kế, quyền kế thừa đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp việc chuyển giao đã được ghi nhận trong Văn bằng bảo hộ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ thì các tài liệu trên cũng được coi là chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền.
Chứng cứ chứng minh xâm phạm
Các tài liệu, hiện vật sau đây được coi là chứng cứ chứng minh xâm phạm:
– Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tài liệu mô tả, vật mẫu, hiện vật có liên quan thể hiện đối tượng được bảo hộ;
– Vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị xem xét;
– Bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ;
– Biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.
Trên đây là nội dung bài viết Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Cách bảo vệ khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu
Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ