Chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Vậy khi nào thì một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ? Chủ thể nào có quyền đăng ký bảo hộ? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Khái niệm chỉ dẫn địa lý

Theo quy định tại khoản 22 Điều 4  Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009:

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện:

Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

Thứ hai, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

– Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

– Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

– Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bao gồm

  • Yếu tố tự nhiên: yếu tố về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
  • Yếu tố về con người: kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

– Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

Lưu ý: Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;

– Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

– Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;

– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Căn cứ xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý

Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, không giống như tên thương mại hay nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý chỉ được xác lập khi chủ thể thực hiện các thủ tục đăng ký và có quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đăng ký chỉ dẫn địa lý

Khi đăng ký chỉ dẫn địa lý, cần lưu ý những vấn đề sau đây:

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước.

Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

Như vậy, tổ chức, cá nhân không có quyền đăng ký hay trở thành chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý.

Xem thêm: Hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý 

Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý

Đơn đăng ký thiết kế bố trí bao gồm các tài liệu sau đây:

1. Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

2. Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định chỉ dẫn địa lý cần bảo hộ, bao gồm:

– Tên gọi, dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý.

– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

– Bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm đó. Bản mô tả phải có các nội dung chủ yếu sau:

  • Mô tả loại sản phẩm tương ứng, bao gồm cả nguyên liệu thô và các đặc tính lý học, hóa học, vi sinh và cảm quan của sản phẩm;
  • Cách xác định khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
  • Chứng cứ về loại sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý;
  • Mô tả phương pháp sản xuất, chế biến mang tính địa phương và có tính ổn định;
  • Thông tin về mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý;
  • Thông tin về cơ chế tự kiểm tra các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.

– Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

– Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó, nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.

3. Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

4. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

5. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

6. Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Trên đây là nội dung bài viết Quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.

Xem thêm:

So sánh nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý theo quy định

Văn bằng bảo hộ và duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *