Sáng chế là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về những vấn đề như sáng chế là gì? Điều kiện bảo hộ sáng chế như thế nào?
Sáng chế là gì?
Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009:
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế
Sáng chế có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Đối với hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế, sáng chế phải đáp ứng các điều kiện:
– Có tính mới: sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.
– Có trình độ sáng tạo: Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
– Có khả năng áp dụng công nghiệp: Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.
Đối với hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, sáng chế phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Không phải là hiểu biết thông thường.
– Có tính mới.
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đăng ký sáng chế
Đăng ký sáng chế bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
Quyền đăng ký sáng chế
Các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký sáng chế bao gồm:
– Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc.
– Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Đơn đăng ký sáng chế
Đơn đăng ký sáng chế bao gồm các tài liệu sau:
– Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
– Tài liệu xác định sáng chế cần bảo hộ trong đơn đăng ký sáng chế, bao gồm:
- Bản mô tả sáng chế: gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế.
- Bản tóm tắt sáng chế phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế.
– Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Nơi nộp: Cục Sở hữu trí tuệ.
Hiệu lực của văn bằng bảo hộ
– Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.
– Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
Lưu ý: chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Trên đây là nội dung bài viết Sáng chế và những vấn đề liên quan đến sáng chế. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi. 0967.59.1128 hoặc 024.665.65.366
Xem thêm:
Điều kiện bảo hộ sáng chế theo pháp luật hiện hành
Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu