Doanh nghiệp có vị trí độc quyền là doanh nghiệp nắm giữ sức mạnh thị trường. Vậy vị trí độc quyền là gì? Cách thức xác định vị trí độc quyền của doanh nghiệp? Trong bài viết này, Luật Lawkey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Khái niệm vị trí độc quyền

Dưới góc độ ngôn ngữ: độc quyền (monopoly) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó monos nghĩa là một và polein nghĩa là bán; vị trí là chỗ, nơi được xác định dành riêng cho người, vật hoặc việc nào đó. Như vậy, vị trí độc quyền được hiểu là vị trí riêng có của doanh nghiệp trên một thị trường nhất định. Nghĩa là trên thị trường đó chỉ có duy nhất một người bán và sản xuất ra sản phẩm không có sản phẩm thay thế gần gũi.       

Dưới góc độ kinh tế: vị trí độc quyền là vị trí của một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp khi các doanh nghiệp đó câu kết với nhau chiếm vị trí độc tôn trong việc cung cấp sản phẩm nhất định nào đó, cho phép họ kiểm soát trọn vẹn giá cả sản phẩm để thu lợi nhuận tối đa và ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh khác thâm nhập thị trường.

Dưới góc độ pháp lý: các quốc gia khác nhau có những quan điểm khác nhau về vị trí độc quyền. Tuy nhiên, thông thường các quốc gia coi vị trí độc quyền là một trường hợp đặc biệt của vị trí thống lĩnh. Tại Hoa Kỳ, trong Mục 2 của Luật Chống độc quyền Sherman Act (được thông qua năm 1890), thay vì sử dụng thuật ngữ “vị trí thống lĩnh thị trường”, Đạo luật này đề cập đến khái niệm độc quyền và chỉ ra một vài hướng dẫn cho việc xác định vị trí độc quyền của doanh nghiệp. Theo đó, sức mạnh độc quyền được hiểu là “doanh nghiệp có khả năng (1) định giá cao hơn đáng kể so với mức giá cạnh tranh và (2) cố tình gây ra hành vi này trong khoảng thời gian nhất định nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh mới gia nhập hoặc mở rộng thị trường”.

Như vậy, mặc dù Luật cạnh tranh không đưa ra khái niệm cụ thể như thế nào là vị trí độc quyền nhưng có thể hiểu vị trí độc quyền là vị trí của một doanh nghiệp khi không còn đối thủ nào cạnh tranh với doanh nghiệp đó trên thị trường liên quan.

Xác định doanh nghiệp có vị trí độc quyền

Theo quy định tại Điều 25 Luật cạnh tranh 2018:

“Điều 25. Doanh nghiệp có vị trí độc quyền

Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.”

Theo đó, doanh nghiệp có vị trí độc quyền khi và chỉ khi doanh nghiệp đó không có đối thủ cạnh tranh nào trên thị trường liên quan (doanh nghiệp chiếm 100% thị phần trên thị trường liên quan). Dưới góc độ lý thuyết, vị trí độc quyền đã loại bỏ khả năng có sự tồn tại của cạnh tranh trên thị trường liên quan bởi tại đó chỉ có một doanh nghiệp duy nhất là doanh nghiệp đang được xem xét hoạt động. Do đó, khi xác định vị trí độc quyền, cơ quan cạnh tranh chỉ cần:

– Xác định thị trường liên quan;

– Xác định số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Nếu kết luận đưa ra là chỉ có một doanh nghiệp duy nhất thì doanh nghiệp đó có vị trí độc quyền. 

Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm

Doanh nghiệp có vị trí độc quyền không được thực hiện các hành vi sau:

– Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

– Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

– Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

– Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

– Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;

– Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;

– Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;

– Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.

Trên đây là nội dung bài viết Vị trí độc quyền theo quy định của Luật cạnh tranh 2018. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.

Xem thêm:

Mức phạt hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm

Xác định thị trường liên quan theo Luật cạnh tranh 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *