Ý tưởng, thị trường của các bạn trẻ khởi nghiệp rất dễ bị đánh cắp, đến khi sản phẩm thành công, bắt đầu phát triển thì doanh nghiệp dễ bị mất quyền sở hữu đối với sản phẩm hoặc tài sản mà không hay biết!
Theo khuyến cáo từ ông Từ Minh Thiện, Ban quản lý Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao TPHCM, các cá nhân khởi nghiệp dễ bị đánh cắp ý tưởng, cũng như đánh mất cơ hội thị trường vào tay đối thủ cạnh tranh, khi trao đổi ý tưởng sản phẩm, công nghệ với các nhà đầu tư không đàng hoàng.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, trong quá trình tư vấn cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông đã thấy nhiều lỗ hổng kiến thức về pháp lý của các doanh nhân trẻ, điều dễ khiến các doanh nghiệp gặp các rủi ro hoặc tranh chấp pháp lý. Cụ thể, các dự án khởi nghiệp thường dựa trên các ý tưởng và sản phẩm sáng tạo, đòi hỏi người sáng lập am hiểu về quyền sở hữu trí tuệ; bên cạnh đó là các vấn đề về xác định loại hình kinh doanh và việc góp vốn của doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thiếu kiến thức, lẫn chưa quan tâm đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng chế, phần mềm, sản phẩm, dẫn đến khi sản phẩm thành công, bắt đầu phát triển thì doanh nghiệp bị mất quyền sở hữu đối với sản phẩm hoặc tài sản mà không hay biết.
Bà Nguyễn Thị Tường Tâm, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, phần lớn giá trị của các công ty khởi nghiệp đều dựa vào sở hữu trí tuệ, cụ thể là các tài sản vô hình, bao gồm ý tưởng kinh doanh, thương hiệu hay công thức sản xuất… Tuy nhiên, để biến các tài sản vô hình này thành cơ sở đàm phán với nhà đầu tư, huy động vốn hoặc cho các mục đích khác, việc định giá cho tài sản trí tuệ là điều vô cùng khó khăn với các dự án khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ không đơn giản, cộng thêm chi phí khá cao, thời gian cấp phép, cấp bằng đối với sáng chế, nhãn hiệu cũng không ngắn, thường gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, dẫn đến việc không quan tâm đúng mức tới việc đăng ký bảo hộ các tài sản sở hữu trí tuệ. Điều này có thể đẩy chủ thể khởi nghiệp đến việc bị ăn cắp bản quyền, tài sản trí tuệ, hoặc nghiêm trọng hơn là các cáo buộc cạnh tranh hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Khởi nghiệp là một chặng đường rất vất vả và đi kèm với rủi ro thất bại cao. Để giảm thiểu thất bại đến mức có thể, bà Tâm khuyên các bạn trẻ: “Ngoài kiến thức, nỗ lực và quyết tâm, thì đòi hỏi ở các bạn sự trải nghiệm và cọ xát thực tế, đặc biệt trong những lĩnh vực liên quan đến dự án mình định khởi nghiệp. Cụ thể, người trẻ chỉ nên làm chủ khi đã tích lũy đủ từ quá trình đi làm thuê, chỉ nên khởi nghiệp khi đã chuẩn bị đầy cho bản thân đủ kỹ năng và kinh nghiệm, từ quản lý, giao tiếp, tương tác xã hội, đến kinh nghiệm cuộc sống, đàm phán, giải quyết khủng hoảng…”.