Vấn đề sở hữu trí tuệ và đấu tranh chống hàng giả
Vấn đề sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) không chỉ xảy ra phổ biến ở thị trường Trung Quốc, mà cũng đã xuất hiện khá tràn lan tại thị trường nội địa VN.
Ngoài nguồn hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT từ khu vực sản xuất nội địa, nguồn hàng giả xâm phạm từ thị trường Trung Quốc vào lãnh thổ VN là rất lớn, qua cả các con đường kinh doanh xuất nhập khẩu hợp pháp và bất hợp khâu, mà các khâu quản lý phòng chống của ta, trong thực tế, rất khó bao xuyến nỗi.
Mặc dù, tại nước ta, đã ban hành luật sở hữu trí tuệ do Quốc Hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 tại kỳ họp thứ 8, khóa XI và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 (đến nay đã tròn 5 năm), nhưng việc kiểm soát và đấu tranh ngăn ngừa việc xâm phạm QSHTT còn rất nhiều hạn chế và gian nan. Chính phủ cũng đã ra chỉ thị 31/1999/CT/TTg ngày 21/10/1999 và chỉ thị 28/2008/CT-TTg ngày 08/9/2008 về yêu cầu đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và các hành vi xâm phạm QSHTT, nhưng mặt trận chống hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT vẫn còn rất nóng và rất phức tạp, nhất là hàng giả xâm nhập từ biên giới phía Bắc và một số từ phía Tây, Tây Nam (chưa kể nạn buôn lậu).
Chương trình hành động liên bộ số 168/CTHĐ/VHTT-KHCN-NNPTNT-TC-TM-CA ngày 19/01/2006 nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm QSHTT với ba mục tiêu: bảo vệ chủ thể SHTT, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về SHTT, duy trì môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Và mặc dù nhà nước đã áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp phòng, chống tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT còn rất phức tạp và phổ biến, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân lớn, nguyên nhân gốc là nhận thức và ý thức của đông đảo công chúng về quyền sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế. Vì vậy, mà mới đây, tổ chức dự án Mutrap do Liên minh Châu Âu tài trợ (EU-VIETNAM MUTRAP III) đã phối hợp với bộ Công Thương và phòng công nghiệp Thương mại VN (VCCI) tổ chức cuộc hội thảo vào ngày 20/4/2011 tại VN về “Nâng cao nhận thức của công chúng về thực thi Quyền sở hữu trí tuệ” tại TP.HCM.
Những loại hàng hóa xâm hại sở hữu trí tuệ
Theo ông Lê Thế Bảo Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN (VATAP), thì hàng giả và xâm phạm QSHTT diễn ra rất phức tạp, đa dạng trên nhiều mặt hàng, nhiều lĩnh vực như: diễn ra hầu hết các loại sản phẩm hàng hóa, dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế, các giải pháp hữu ích, nhiều động thái cạnh tranh không lành mạnh, tranh chấp quyền SHTT nhãn hiệu xảy ra ngay lúc đăng ký, xác lập quyền.
Riêng tại địa bàn TP.HCM trong năm 2010 đã xảy ra trên 730 vụ giả mạo nhãn hiệu với tổng số tiền phạt lên đến 3,3 tỷ đồng, tiêu hủy số lượng hàng trị giá đến trên 3,5 tỷ đồng. Trong quí I/2011, phát hiện 153 vụ giả mạo nhãn hiệu, xử phạt hơn 980 triệu đồng. Hàng giả chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, giả cả các nhãn hiệu nổi tiếng như đồng hồ giả nhãn hiệu Thụy Sĩ, túi xách giả nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Chanel v…v…Hàng trong nước thì có cả gas giả, xà bông giả nhãn hiệu omo, đường Biên Hòa giả…
Tốc độ phát triển hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT ngày một nhanh chóng, phức tạp đa dạng và có nhiều thủ đoạn tinh vi, nhưng công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT còn rất hạn chế, bất cập và kém hiệu quả (THANH NHÂN: “gian nan chống hàng giả”, Báo người Lao Động, thứ năm 21/4/2011).
Các nguyên nhân làm phát sinh hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT ở VN xuất phát từ cả nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và cả khâu quản lý nhà nước, việc thực thi pháp luật. Các nguyên nhân cụ thể gồm: các tổ chức, cơ quan tham gia phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT còn chồng chéo, chưa hợp tác đồng bộ, quản lý thị trường còn lỏng lẻo, qui định nguồn chứng cứ để xử lý phải qua giám định rất mất thời gian tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm đối phó hoặc “chạy thuốc”. Xử phạt tối đa chỉ có 20 triệu chưa đủ sức răn đe về mặt thiệt hại kinh tế, kinh phí cho công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT quá thiếu nên thực hiện quá trình phát hiện, điều tra xử lý rất hạn chế, qui trình xử lý chưa chặt chẽ, việc phòng, chống các trường hợp bảo kê ít khả thi, tính hấp dẫn về giá cả rẻ của hàng giả, hàng nhái làm “mờ mắt” một bộ phận người tiêu dùng.
Những biện pháp cần có để đẩy mạnh việc phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT
Mặc dù công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT còn lắm khó khăn, gian nan, thử thách, nhưng do yêu cầu phát triển nền kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường, đảm bảo phục vụ cả người sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thì công tác chủ động quản lý thị trường, quản lý sản xuất, phòng chống hàng giả luôn luôn cần thiết và phải được tiến hành liên tục trong suốt quá trình phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, VN phải nằm gần về mặt địa lý “núi liền núi sông liền sông” với một nước lớn là Trung Quốc, với thị trường rộng lớn, phong phú, đa dạng nhưng cũng là thị trường phát sinh rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm QSHTT dễ dàng xâm nhập vào thị trường nội địa của VN.
Cho nên việc sử dụng tổng hợp các giải pháp và việc phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thẩm quyền trong việc phòng chống các loại hàng giả, hàng nhái và hàng xâm phạm QSHTT là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn phát triển cất cánh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu hiện nay.
Phải áp dụng cả các giải pháp, biện pháp về tuyên truyền phổ biến luật pháp về SHTT, nâng cao nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng, tăng cường các biện pháp xử lý về luật pháp, về kinh tế, về dân sự, hành chính để công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm QSHTT ngày một đạt hiệu quả tốt.
Ngoài việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi luật pháp về QSHTT để nâng cao nhận thức của công chúng về quyền và yêu cầu thực thi quyền sở hữu trí tuệ, những lợi ích xã hội về việc tôn trọng và thực thi quyền SHTT, quyền tác giả, bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa v…v…cần có sự phối hợp đồng, chặt chẽ giữa các cơ quan như thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, hải quan, công an, UBND các cấp (để thực thi các biện pháp hành chính), Tòa án (để thực thi các biện pháp tư pháp về dân sự, hình sự, kinh tế)
Điều quan trọng trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm QSHTT, xâm phạm tác quyền là phải minh bạch, công khai, nghiêm minh có tính chất chế tài răn đe để giáo dục và ngăn ngừa hiệu quả không để tái phạm. Đặc biệt là phải có những biện pháp quản lý kinh doanh nhập khẩu, nhất là qua con đường biên giới phía Bắc, phía Tây, phía Tây Nam, để hạn chế thấp nhất các loại hàng giả, hàng nhái xâm phạm vào thì trường nội địa của VN.
Kinh nghiệm việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghiệp ngay tại thị trường nội địa hay cả tại thị trường nước ngoài đã có những lợi ích to lớn bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất cũng như các tác giả của các phát minh, phát kiến trong lĩnh vực công nghiệp, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường. Cụ thể như kết quả các tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa về kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc, võng Duy Lợi ở thị trường Hoa Kỳ, thương hiệu Vinataba ở Lào và Campuchia, tranh chấp quán ăn ngon 138, nhà hàng Ngon tại thị trường nội địa.
Yêu cầu và giải pháp đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghiệp vừa chủ động phòng ngừa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa vừa tự vệ hiệu quả khi có tranh chấp về sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu v…v… xảy r a, bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp tránh thiệt hại không đáng có cho các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, nghiêm túc vậy.
Tiến sĩ- Luật sư NGUYỄN ĐĂNG LIÊM – Hiệu trưởng trường Đại Học CNTT Gia Định
Theo phapluatvietnam