Tập trung kinh tế là một trong những hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật cạnh tranh. Vậy tập trung kinh tế là gì? Tập trung kinh tế có những đặc điểm cơ bản nào? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Khái niệm tập trung kinh tế
Dưới góc độ kinh tế: hành vi tập trung kinh tế được hiểu là việc giảm số lượng của doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường thông qua các hành vi sáp nhập (theo nghĩa rộng) hoặc thông qua tăng trưởng nội sinh của doanh nghiệp trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất.
Dưới góc độ pháp lý: Luật cạnh tranh không định nghĩa thế nào là hành vi tập trung kinh tế mà chỉ liệt kê các hành vi được coi là tập trung kinh tế. Cụ thể:
– Sáp nhập doanh nghiệp: là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
– Hợp nhất doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.
– Mua lại doanh nghiệp: là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
– Liên doanh giữa các doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.
Đặc điểm của tập trung kinh tế
Tập trung kinh tế có các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, chủ thể của tập trung kinh tế là các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường.
Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật cạnh tranh 2018 (tổ chức, cá nhân kinh doanh), các doanh nghiệp này có thể cùng hoạt động trên cùng một thị trường liên quan hoặc không và các doanh nghiệp phải hoàn toàn độc lập với nhau về tài chính và ý chí. Từ dấu hiệu này, có thể phân biệt các hành vi tập trung kinh tế của doanh nghiệp với hoạt động đầu tư vào nhiều doanh nghiệp của các nhà đầu tư. Với vai trò là nhà đầu tư, các cá nhân có thể góp vốn vào nhiều doanh nghiệp và là chủ sở hữu (đồng chủ sở hữu) của các đơn vị kinh doanh cùng hoặc không cùng ngành nghề. Lúc đó, các doanh nghiệp cho dù có chung chủ sở hữu nhưng cũng không thuộc phạm vi của khái niệm tập trung kinh tế. Tập trung kinh tế là hành vi của các chủ thể đang hoạt động kinh doanh trên thị trường.
Thứ hai, hình thức tập trung kinh tế bao gồm: sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp.
Các hiện tượng tập trung kinh tế đòi hỏi sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp khác nhau trên thị trường. Các doanh nghiệp nói trên đã liên kết khả năng kinh doanh bằng cách chủ động tích tụ các nguồn lực kinh tế như vốn, lao động, kỹ thuật, năng lực quản lý, tổ chức kinh doanh… mà họ đang nắm giữ riêng lẻ để hình thành một khối thống nhất bằng việc sáp nhập, hợp nhất hoặc phối hợp theo kiểu tập đoàn theo mô hình liên kết về sở hữu hoặc góp vốn bằng cách mua lại vốn góp của nhau, liên doanh với nhau.
Thứ ba, hậu quả của tập trung kinh tế là việc hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn mạnh, thay đổi cấu trúc thị trường và tương quan cạnh tranh trên thị trường.
Các hình thức sáp nhập, hợp nhất sẽ làm cấu trúc thị trường thay đổi theo hướng giảm đi số lượng doanh nghiệp đang hoạt động bằng cách tập trung tất cả năng lực vào một doanh nghiệp duy nhất (doanh nghiệp được sáp nhập hoặc doanh nghiệp mới hình thành). Việc mua lại hoặc liên doanh sẽ hình thành nên các liên kết giữa các doanh nghiệp độc lập theo mô hình sở hữu để tạo ra nhóm kinh doanh theo kiểu tập đoàn. Cho dù tập trung được thực hiện theo mô hình tích tụ hay liên kết năng lực kinh doanh thì cuối cùng đều dẫn đến kết quả là tương quan cạnh tranh trên thị trường sau khi tập trung kinh tế sẽ khác so với trước đó.
Phân loại tập trung kinh tế
Có nhiều cách phân loại tập trung kinh tế. Tuy nhiên, cách phân loại phổ biến là căn cứ vào vị trí của các chủ thể tham gia tập trung kinh tế theo cấp độ kinh doanh, theo đó tập trung kinh tế được chia thành:
– Tập trung kinh tế theo chiều ngang: là sự sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh thường diễn ra giữa các doanh nghiệp thường nằm ở một cấp độ trong chuỗi sản xuất hay nói cách khác, đó là những doanh nghiệp trên cùng một thị trường liên quan.
– Tập trung kinh tế theo chiều dọc: là sự sáp nhập, hợp nhất, mua lại hay liên doanh giữa các doanh nghiệp ở những cấp độ khác nhau của chuỗi sản xuất, tức là những doanh nghiệp có quan hệ người mua – người bán với nhau.
– Tập trung kinh tế hỗn hợp: là sự sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh của những doanh nghiệp không phải là đối thủ của nhau và cũng không có những mối quan hệ mua bán thực sự hoặc tiềm năng trên thị trường liên quan.
Trên đây là nội dung bài viết Tập trung kinh tế là gì? Khái niệm và đặc điểm. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Những hành vi nào thể hiện doanh nghiệp tập trung kinh tế
Xác định thị trường liên quan theo Luật cạnh tranh 2018