Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật thì sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính. Vậy những trường hợp đó là gì? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết

Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Điều kiện xác định hành vi vi phạm được thực hiện trong tình thế cấp thiết:

– Điều kiện về sự nguy hiểm đang đe dọa:

Cơ sở pháp lý làm phát sinh quyền được hành động trong tình thế cấp thiết chính là sự nguy hiểm đang đe dọa những lợi ích được pháp luật bảo vệ. Sự nguy hiểm này là thực tế, đang gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định cho lợi ích chính đáng của bản thân người hành động trong tình thế cấp thiết hoặc cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức hoặc lợi ích chính đáng của người khác. Theo đó, nếu sự nguy hiểm chưa xảy ra, xảy ra ở mức độ không đáng kể hoặc sự nguy hiểm đã qua hoặc sự thiệt hại đã xảy ra thì không phải là tình thế cấp thiết.

– Điều kiện về hành vi khắc phục nguy hiểm:

Trong tình thế cấp thiết, hành vi gây ra một thiệt hại nhỏ hơn để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn, cần thiết và quan trọng hơn phải là biện pháp cuối cùng, duy nhất. Nếu còn có những biện pháp khác, không cần gây thiệt hại thì vẫn chưa phải là tình thế cấp thiết. Đồng thời, nếu gây ra một thiệt hại lớn để bảo vệ một lợi ích nhỏ hoặc gây thiệt hại một lợi ích để bảo vệ một lợi ích khác tương đương thì không được coi là tình thế cấp thiết. 

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên.

Như vậy, để được coi là phòng vệ chính đáng thì hành vi chống trả của cá nhân phải là cần thiết. Nghĩa là không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của mình hoặc của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ

Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra.

Theo đó, sự kiện bất ngờ được xác định thông qua các dấu hiệu sau:
– Chủ thể thực hiện hành vi phải là chủ thể có đầy đủ năng lực trách nhiệm hành chính.
– Hành vi vi phạm xâm hại đến lợi ích mà pháp luật bảo vệ, tức là nó gây hại cho xã hội.
– Về ý chí (mong muốn) của người thực hiện hành vi: họ không mong muốn hậu quả của hành vi đó sẽ xảy ra. Đây là một điều kiện để chứng minh rằng mặc dù người đó thực hiện hành vi vi phạm nhưng được miễn trừ trách nhiệm. 
– Về lý trí (ý thức) của người thực hiện hành vi: họ không nhận thức rằng khi thực hiện hành vi thì sẽ có hậu quả, hay là không thấy được hậu quả và họ cũng không có nghĩa vụ phải biết điều đó. 

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Theo đó, một sự kiện chỉ được coi là bất khả kháng khi hội tụ đủ ba yếu tố:

– Xảy ra một cách khách quan: Sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chủ thể có hành vi vi phạm hành chính.

– Không lường trước được: Hậu quả xảy ra không thể lường trước được tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm

– Hậu quả xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính

Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý;

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Trên đây là nội dung bài viết Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất 1900252511.

Xem thêm:

Các hình thức xử lý vi phạm hành chính và nguyên tắc áp dụng

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *