Pháp luật cạnh tranh đặt ra quy định cấm đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, khi đáp ứng các điều kiện nhất định thì những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh này sẽ được hưởng miễn trừ. Vậy điều kiện cũng như thủ tục để hưởng miễn trừ đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là gì? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có thể được miễn trừ
Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau có thể được hưởng miễn trừ:
– Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
– Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
– Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
– Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
– Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
– Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
– Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
– Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Điều kiện miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
– Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;
– Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;
– Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;
– Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.
Lưu ý: thỏa thuận lao động, thỏa thuận hợp tác trong các ngành, lĩnh vực đặc thù được thực hiện theo quy định của luật khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Thủ tục đề nghị miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm bao gồm:
– Đơn theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;
– Dự thảo nội dung thỏa thuận giữa các bên;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; bản sao Điều lệ của hiệp hội ngành, nghề đối với trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có sự tham gia của hiệp hội ngành, nghề;
– Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;
– Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng các điều kiện hưởng miễn trừ kèm theo chứng cứ để chứng minh;
– Văn bản ủy quyền của các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm cho bên đại diện (nếu có).
Bước 2. Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp dự định tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Bước 3. Thụ lý hồ sơ
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo.
– Khi kết thúc thời hạn mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung hồ sơ không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ.
Sau khi nhận được thông báo hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, bên nộp hồ sơ phải nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Hồ sơ được thụ lý kể từ thời điểm bên nộp hồ sơ hoàn thành nghĩa vụ nộp phí thẩm định hồ sơ.
Bước 4. Ra quyết định
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định chấp thuận hoặc quyết định không chấp thuận cho các bên được hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, trường hợp không chấp thuận cho các bên được hưởng miễn trừ phải nêu rõ lý do.
Thời hạn ra quyết định về việc hưởng miễn trừ là 60 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn ra quyết định có thể được gia hạn nhưng không quá 30 ngày. Việc gia hạn phải được thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày hết thời hạn ra quyết định.
Trên đây là nội dung bài viết Miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2018
Khái niệm và đặc điểm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh