Pháp luật nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả xảy ra. Vậy ai có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời? Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng là gì? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp sau đây:
– Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;
– Hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu hủy nếu không được bảo vệ kịp thời.
Lưu ý: Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ trước khi nghe ý kiến của bên bị áp dụng biện pháp đó.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây được áp dụng đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó:
– Thu giữ;
– Kê biên;
– Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển;
– Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.
– Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh quyền yêu cầu bằng các tài liệu, chứng cứ sau:
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, văn bằng bảo hộ; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan, Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ;
– Chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; chứng cứ cần thiết để chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng;
– Bản sao hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong trường hợp quyền sử dụng được chuyển giao theo hợp đồng.
Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại gây ra cho người bị áp dụng biện pháp đó trong trường hợp người đó không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp khoản bảo đảm bằng một trong các hình thức sau đây:
– Khoản tiền bằng 20% giá trị hàng hóa cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị hàng hóa đó;
– Chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác.
Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng trong các trường hợp sau:
– Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;
– Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
– Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự;
– Việc giải quyết vụ án được đình chỉ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;
– Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;
– Căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn;
– Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
– Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
– Người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chứng minh được việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không có căn cứ xác đáng.
Lưu ý: trong trường hợp hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án phải xem xét để trả lại cho người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khoản bảo đảm. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không có căn cứ xác đáng và gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án buộc người yêu cầu phải bồi thường thiệt hại.
Thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Trên đây là nội dung bài viết Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật
Xác định yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp