Doanh nghiệp có vị trí độc quyền được hình thành từ nhiều con đường khác nhau, trong đó chủ yếu là từ quá trình cạnh tranh. Vậy doanh nghiệp độc quyền nhà nước được hình thành như thế nào? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước? Trong bài viết này, Luật Lawkey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Khái niệm doanh nghiệp có vị trí độc quyền
Dưới góc độ ngôn ngữ, doanh nghiệp có vị trí độc quyền được hiểu là doanh nghiệp hoạt động trên một thị trường nhất định và trên thị trường đó chỉ có duy nhất một người bán và sản xuất ra sản phẩm không có sản phẩm thay thế gần gũi.
Dưới góc độ kinh tế, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí độc quyền là các doanh nghiệp câu kết với nhau chiếm vị trí độc tôn trong việc cung cấp sản phẩm nhất định nào đó, cho phép họ kiểm soát trọn vẹn giá cả sản phẩm để thu lợi nhuận tối đa và ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh khác thâm nhập thị trường.
Dưới góc độ pháp lý, các quốc gia khác nhau có những quan điểm khác nhau về doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Tuy nhiên, thông thường các quốc gia coi doanh nghiệp có vị trí độc quyền là một trường hợp đặc biệt của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Tại Hoa Kỳ, trong Mục 2 của Luật Chống độc quyền Sherman Act (được thông qua năm 1890), thay vì sử dụng thuật ngữ “thống lĩnh thị trường”, Đạo luật này đề cập đến khái niệm độc quyền và chỉ ra một vài hướng dẫn cho việc xác định doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Theo đó, doanh nghiệp có sức mạnh độc quyền được hiểu là “doanh nghiệp có khả năng (1) định giá cao hơn đáng kể so với mức giá cạnh tranh và (2) cố tình gây ra hành vi này trong khoảng thời gian nhất định nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh mới gia nhập hoặc mở rộng thị trường”.
Như vậy, có thể hiểu doanh nghiệp có vị trí độc quyền là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trên một thị trường liên quan mà không có đối thủ nào cạnh tranh với doanh nghiệp đó.
Nguồn gốc và quá trình hình thành doanh nghiệp độc quyền nhà nước
Độc quyền nhà nước là kết quả của cơ chế hành chính trước đây. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung cao độ trước đây, chúng ta chỉ thừa nhận hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân không tồn tại trong thời gian đó. Chế độ công hữu này đã tạo ra sự độc quyền nhà nước trong tất cả các ngành kinh tế. Nhà nước thành lập các xí nghiệp quốc doanh để sản xuất và cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng. Cơ chế quản lý kinh tế bằng các mệnh lệnh hành chính đã hình thành nên các doanh nghiệp nhà nước độc quyền mà một số vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện nay, các doanh nghiệp độc quyền nhà nước vẫn tiếp tục được hình thành thông qua con đường hành chính, do ý muốn chủ quan thông qua chính sách tập trung hóa sản xuất theo chiều rộng của doanh nghiệp nhà nước để các doanh nghiệp nhà nước có thể chi phối những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cho phép Nhà nước điều tiết quá trình cạnh tranh theo ý muốn nhằm ổn định trật tự nền kinh tế quốc dân, bảo vệ lợi ích của xã hội.
Kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước
Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp sau đây:
– Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;
– Quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;
– Định hướng, tổ chức các thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Lưu ý: Khi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước thực hiện hoạt động kinh doanh khác ngoài lĩnh vực độc quyền nhà nước thì hoạt động kinh doanh đó của doanh nghiệp không chịu sự điều chỉnh theo quy định trên nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của quy định khác của Luật này.
Trên đây là nội dung bài viết Kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Mức phạt hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm
Vị trí độc quyền theo quy định của Luật cạnh tranh 2018