So với nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu nổi tiếng có những đặc trưng riêng biệt. Vậy pháp luật quy định thế nào về những vấn đề liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng?
Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009: Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, theo quy định này thì phạm vi phổ biến của nhãn hiệu nổi tiếng chỉ là trên lãnh thổ Việt Nam. Nghĩa là, các nhãn hiệu cho dù có nổi tiếng trên thế giới mà không được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi thì cũng không được xác định là nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam.
Xem thêm: So sánh nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu nổi tiếng
Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng
Để xác định một nhãn hiệu có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không, có thể xem xét các tiêu chí sau:
– Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
– Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
– Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
– Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
– Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
– Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
– Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
– Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Căn cứ phát sinh, xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 thì: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.”
Như vậy, nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ trên cơ sở thực tiễn sử dụng mà không cần thủ tục đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ. Khi thực hiện quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ chứng minh quyền của mình bằng cách cung cấp chứng cứ khẳng định sự nổi tiếng của nhãn hiệu với cơ quan nhà nước có liên quan.
Sử dụng tên hàng hóa trùng với nhãn hiệu nổi tiếng?
Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009:
“Điều 125. Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
2. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:
h) Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.”
Như vậy, không phải trong tất cả mọi trường hợp tổ chức, cá nhân đều không được phép sử dụng tên hàng hóa trùng với nhãn hiệu nổi tiếng.
Trên đây là nội dung bài viết Nhãn hiệu nổi tiếng và những vấn đề liên quan. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
So sánh nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý theo quy định
Đăng ký nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ