Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là gì? Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm những nội dung nào và hợp đồng này có phải đăng ký không? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là gì?
Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.
Các dạng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm các dạng sau đây:
1. Hợp đồng độc quyền
Là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.
2. Hợp đồng không độc quyền
Là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác.
3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp
Là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.
Nội dung hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
– Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
– Dạng hợp đồng;
– Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
– Thời hạn hợp đồng;
– Giá chuyển giao quyền sử dụng;
– Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
Lưu ý: hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc dù do các bên tự do thỏa thuận nhưng không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền. Khi có các điều khoản này thì các điều khoản này mặc nhiên bị vô hiệu.
Đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:
Hồ sơ đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Hồ sơ đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm:
1. Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
2. Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;
3. Bản gốc văn bằng bảo hộ đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
4. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung;
5. Chứng từ nộp phí, lệ phí;
6. Giấy ủy quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.
Hiệu lực của hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
– Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
– Đối với quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu thì hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên.
– Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.
– Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.
Trên đây là nội dung bài viết Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Pháp luật về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp