Hợp đồng dịch vụ logistic là gì? Khái niệm, đặc điểm, nội dung của hợp đồng dịch vụ logistics?
Khái niệm
Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”.
Logistics là một loại hình dịch vụ, vậy nên theo điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ:
“Điều 513. Hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ.”
Theo đó, có thể hiểu hợp đồng dịch vụ logistics là sự thỏa thuận, mỗi bên (thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics) có nghĩa vụ thực hiện hoặc tổ chức thực hiện một hoặc một số dịch vụ liên quan đến quá trình lưu thông hàng hóa, còn bên kia (khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác.
>>> Xem thêm: Kinh doanh dịch vụ logistics là như thế nào?
Đặc điểm
Hợp đồng dịch vụ logistics là hợp đồng song vụ, hợp đồng ưng thuận và mang tính chất đền bù
Hợp đồng dịch vụ logistics phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng song vụ có tính đền bù. Đây là sự thỏa thuận giữa hai bên chủ thể, là sự thống nhất ý chí được thể hiện ra bên ngoài trên cơ sở bình đẳng về địa vị pháp lý, nghĩa là các bên có quyền ngang nhau trong quá trình đàm phán và đi đến thống nhất quyền và nghĩa vụ cho mình.
Bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau theo thỏa thuận – nghĩa là quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Khi một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ thì bên còn lại có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ tương ứng.
Tính đền bù của hợp đồng được thể hiện ở chỗ bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền phí dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Phí dịch vụ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Thời điểm trả tiền dịch vụ các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Chủ thể của hợp đồng dịch vụ logistics
Chủ thể của hợp đồng bao gồm hai bên: Bên sử dụng dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ. Bên cung ứng dịch vụ phải là thương nhân, khách hàng có thể là doanh nghiệp hoặc là cá nhân.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics bao gồm: tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Hoạt động logistics là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, do đó thương nhân kinh doanh dịch vụ này, tùy từng loại dịch vụ sẽ có các điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics khác nhau
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ logistics
Đối tượng của hợp đồng trước hết là dịch vụ.
Bộ luật Dân sự 2015, điều 514 quy định đối tượng của hợp đồng dịch vụ:
“Điều 514. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”
Đối tượng của hợp đồng là dịch vụ gắn liền với hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa như: tổ chức việc vận chuyển hàng hóa, giao hàng hóa cho người vận chuyển,….
Hình thức của hợp đồng dịch vụ logistics
Pháp luật Việt Nam hiện không quy định hình thức của hợp đồng dịch vụ logistics nên hợp đồng dịch vụ logistics có thể được thể hiện dưới hình thức bằng lời nói, văn bản hoặc xác lập bằng hành vi cụ thể.
Nội dung hợp đồng dịch vụ logistics
Luật Thương mại 2005 không quy định cụ thể về các nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ logistics nhưng với tính chất của hợp đồng dịch vụ thì theo điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ logistics có các nội dung cơ bản sau:
Đối tượng của hợp đồng và những yêu cầu cụ thể của khách hàng đối với dịch vụ được cung ứng; số lượng, chủng loại, chất lượng, giá trị hàng hóa.
Đối tượng của hợp đồng là những công việc liên quan đến hàng hóa mà các bên thảo thuận thực hiện.
Khách hàng có thể sử dụng một, một số hoặc toàn bộ dịch vụ trong chuỗi mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cung ứng như: giao nhận, vận chuyển đa phương tiện nội địa, quốc tế; giao nhận, vận chuyển nội địa bằng đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa;…
Thỏa thuận về thời gian và địa điểm thực hiện dịch vụ
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thỏa thuận cụ thể với khách hàng về thời gian và địa điểm thực hiện dịch vụ. Việc thực hiện giao nhận hàng hóa qua đường biển, đường bộ hay đường hàng không sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận của các bên vê điều khoản này.
Thù lao và dịch vụ và các chi phí liên quan đến việc thực hiện dịch vụ
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thỏa thuận với khách hàng về thù lao dịch vụ và các chi phí khác để thực hiện dịch vụ.
Thù lao dịch vụ phụ thuộc vào mức độ phức tạp của dịch vụ mà khách hàng sử dụng. Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thường có bảng giá cụ thể đối với từng loại hàng hóa cần thực hiện dịch vụ.
Phương thức thanh toán
Các bên có thể tự do thỏa thuận phương thức thanh toán phù hợp với tính chất của thỏa thuận và giá trị hợp đồng. Dịch vụ logistics là loại hình dịch vụ thường xuyên có yếu tố quốc tế vì vậy bên cạnh hình thức thanh toán bằng tiền mặt, chứng thư tín dụng, các bên có thể sử dụng các hình thức thanh toán khác như trả tiền nhận chứng từ, nhờ thu,…
Quyền và nghĩa vụ các bên
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng được quy định cụ thể và đầy đủ trong hợp đồng. Khách hàng có thể đưa ra những chỉ dẫn riêng hoặc có những yêu cầu cao hơn dịch vụ thông thường đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics
Trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng, giới hạn trách nhiệm và các trường hợp miễn trừ trách nhiệm đối với người làm dịch vụ.
Trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng, giới hạn trách nhiệm và các trường hợp miễn trừ trách nhiệm đối với người làm dịch vụ được quy định cụ thể trong Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật (Điều 237, 238, 294 Luật Thương mại 2005; Nghị định 163/2017/NĐ-CP…).
Phương thức giải quyết tranh chấp
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng có thể tự thỏa thuận lựa chọn những hình thức giải quyết tranh chấp: thương lượng, hòa giải, Tòa án, Trọng tài Việt Nam, trọng tài quốc tế.
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.