Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do chủ thể có thẩm quyền ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế nhà nước. Vậy các biện pháp cưỡng chế cũng như thẩm quyền quyết định cưỡng chế được quy định như thế nào? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp nào?
Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trừ trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Các biện pháp cưỡng chế
Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
– Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
– Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
– Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Thẩm quyền quyết định cưỡng chế
Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Người có thẩm quyền cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kì cá nhân nào khác.
Thi hành quyết định cưỡng chế
– Người ra quyết định cưỡng chế gửi quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
– Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
– Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thi hành quyết định cưỡng chế:
- Cá nhân, tổ chức liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế;
- Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được yêu cầu;
- Tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản phải giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức đó số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp thì tổ chức tín dụng vẫn phải giữ lại và trích chuyển số tiền đó. Trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi trích chuyển, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của họ.
Trên đây là nội dung bài viết Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất 1900252511.
Xem thêm:
Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính