Với mục tiêu khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia đình trong công tác giáo dục người chưa thành niên vi phạm, phòng ngừa tái phạm, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã quy định về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, hãy cùng LawKey tìm hiểu trong bài viết này bạn nhé.
Khái niệm biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính được định nghĩa như sau:
Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý tại gia đình.
Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính
Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm:
Nhắc nhở
Mục đích của biện pháp nhắc nhở
Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở
Biện pháp nhắc nhở được áp dụng với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau:
– Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo;
– Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.
Hình thức thực hiện:
Người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở. Nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ.
Quản lý tại gia đình
Đối tượng áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình
Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình
– Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;
– Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;
– Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.
Chủ thể có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.
Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình
Biện pháp quản lý tại gia đình có thời hạn áp dụng từ 03 tháng đến 06 tháng.
Lưu ý:
- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình có hiệu lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định phải gửi quyết định cho gia đình và phân công tổ chức, cá nhân nơi người đó cư trú để phối hợp, giám sát thực hiện.
- Người chưa thành niên đang quản lý tại gia đình được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.
- Trong thời gian quản lý tại gia đình, nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung bài viết Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất 1900252511.
Xem thêm:
Áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình theo quy định hiện nay
Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên