Pháp luật quy định cụ thể về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Vậy với những vụ việc đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hay không là thắc mắc của nhiều người. Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
– Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:
- Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
- Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế;
– Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
- Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
- Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Lưu ý:
– Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
– Trong thời hạn được xác định là thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một trong những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời khoản 2 Điều này cũng quy định:
“2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.”
Như vậy, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm. Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Trên đây là nội dung bài viết Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất 1900252511.
Xem thêm:
Biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính
Cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được thi hành ra sao?