Tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng nói riêng có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm để bảo đảm cho việc thu hồi nợ của mình. Vậy đối với hợp đồng vay trả góp thì ngân hàng có quyền thu hồi tài sản bảo đảm khi nào? Quy trình thu hồi tài sản bảo đảm ra sao? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Khi nào ngân hàng có quyền thu hồi tài sản bảo đảm với khách vay trả góp?
Tài sản bảo đảm là tài sản bảo đảm của bên bảo đảm (bên đi vay) dùng để cầm cố, thế chấp, bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với ngân hàng (bên nhận bảo đảm).
Vay tiền bằng hợp đồng trả góp hay vay tín chấp theo hợp đồng trả góp là hình thức cho vay trong đó bên vay được trả góp theo hàng tháng trong một khoảng thời gian nhất định với lãi suất cho vay được thỏa thuận giữa các bên.
Cho vay dưới hình thức trả góp có tài sản bảo đảm là một hình thức cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, trong đó có ngân hàng do đó việc thu hồi tài sản bảo đảm với khách vay trả góp được thực hiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Theo đó, khi đến hạn mà khách hàng không trả được nợ mà các bên không có thỏa thuận khác thì ngân hàng có quyền thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý.
Bên cạnh đó, Điều 56 Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm như sau:
– Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
– Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
– Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
– Các trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.
Như vậy, ngân hàng có quyền thu hồi tài sản bảo đảm trong các trường hợp trên.
Trách nhiệm của ngân hàng và của khách vay khi có quyết định thu hồi tài sản bảo đảm
Trách nhiệm của các bên khi có quyết định thu hồi tài sản bảo đảm như sau:
Trách nhiệm của ngân hàng
Theo quy định tại Điều 61, Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP thì khi thực hiện việc thu hồi tài sản bảo đảm, ngân hàng có trách nhiệm:
– Thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản bảo đảm cho các bên cùng nhận bảo đảm khác theo địa chỉ được bên vay cung cấp hoặc đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị, quyền đòi nợ, giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm, vận đơn thì ngân hàng có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
– Không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu hồi tài sản bảo đảm.
Trách nhiệm của khách vay
Trách nhiệm của khách vay khi có quyết định thu hồi tài sản bảo đảm được quy định tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Giao tài sản bảo đảm theo thông báo cho ngân hàng;
– Trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm là người thứ ba thì khách vay có trách nhiệm phối hợp với ngân hàng để thực hiện việc thu hồi tài sản bảo đảm.
– Chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu hồi tài sản bảo đảm; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu hồi hợp pháp tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho ngân hàng thì phải bồi thường.
Quy trình thu hồi tài sản bảo đảm
Nghị định 163/2006/NĐ-CP không hướng dẫn cụ thể việc thu hồi tài sản cần tuân thủ theo quy trình nào. Thông thường bên vay, bên cho vay sẽ có những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, bên nào vi phạm thì sẽ khởi kiện ra tòa án, việc thi hành sẽ do phán quyết của tòa.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 cũng như quy định tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Thông tư Liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm thì trước khi thu hồi tài sản bảo đảm, ngân hàng có nghĩa vụ thông báo cho khách vay và các bên cùng nhận bảo đảm khác. Cụ thể như sau:
– Thông báo trước về việc áp dụng biện pháp thu hồi tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu hồi tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên.
– Nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì ngân hàng có quyền thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
– Bên cạnh đó, bên ngân hàng có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Công an nơi tiến hành thu hồi tài sản bảo đảm áp dụng các biện pháp để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho việc thực hiện quyền thu hồi tài sản bảo đảm trong quá trình tiến hành thu hồi tài sản bảo đảm. Theo đó, quyền yêu cầu được thực hiện theo quy trình sau:
- Ngân hàng gửi văn bản thông báo về việc thu hồi tài sản bảo đảm đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu hồi tài sản bảo đảm trước thời điểm thu hồi tài sản bảo đảm ít nhất bảy (07) ngày làm việc. Văn bản thông báo về việc thu hồi tài sản được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện kèm theo một (01) bản sao hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm đã được các bên giao kết hợp pháp. Văn bản này phải nêu rõ lý do xử lý, thời gian, địa điểm xử lý, kế hoạch thu hồi tài sản và tài sản dự định thu hồi.
- Sau khi nhận được văn bản của ngân hàng, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời thực hiện các biện pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho việc thực hiện quyền thu hồi tài sản bảo đảm.
Trên đây là nội dung bài viết Quyền thu hồi tài sản bảo đảm đối với khách vay trả góp. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật
Thế chấp tài sản là gì? Nội dung và hình thức của thế chấp tài sản