Chính sách khoan hồng và chính sách miễn trừ đều là miễn trừ cho các tổ chức, cá nhân tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, về mặt bản chất hai chính sách này không hề giống nhau. Vậy hai chính sách này được phân biệt như thế nào? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Cơ sở pháp lý
– Đối với miễn trừ: Điều 14 – Điều 23 Luật cạnh tranh 2018.
– Đối với chính sách khoan hồng: Điều 112 Luật cạnh tranh 2018.
Khái niệm
– Miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là việc miễn trừ trong một thời hạn nhất định cho các tổ chức và cá nhân tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các chủ thể này có đơn yêu cầu miễn trừ và đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật cạnh tranh.
– Chính sách khoan hồng có thể hiểu là việc miễn trừ hoặc giảm trừ cho các tổ chức và cá nhân tham gia chương trình khoan hồng khỏi nguy cơ bị xử phạt hành chính hay bị áp dụng chế tài hình sự nghiêm khắc mà lẽ ra họ phải gánh chịu do thực hiện hành vi vi phạm luật cạnh tranh.
Mục đích
– Đối với miễn trừ: các trường hợp miễn trừ được xây dựng dựa trên nguyên tắc lập luận hợp lý (rule of reason), theo đó, nguyên tắc đánh giá tính bất hợp pháp của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên cơ sở cân nhắc giữa các tác động tích cực và tiêu cực, đặc biệt là tác động thúc đẩy cạnh tranh và tác động hạn chế cạnh tranh hoặc giữa tác động hạn chế cạnh tranh với hiệu quả hay lợi ích kinh tế mà hành vi thỏa thuận mang lại.
– Đối với chính sách khoan hồng: chính sách khoan hồng được xây dựng nhằm thu hút tham gia khai báo, hợp tác của các thành viên trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, từ đó khiến cho những thỏa thuận bất chính được đưa ra ánh sáng và xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, chính sách khoan hồng cho phép cơ quan quản lý cạnh tranh được tiếp cận các chứng cứ và thông tin mật liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp mà trên thực tế nếu không có chính sách này thì sẽ cực kỳ khó khăn và tốn thời gian để thu thập chúng trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra.
Điều kiện áp dụng
– Đối với miễn trừ: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được miễn trừ có thời hạn nếu có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
- Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ;
- Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế;
- Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm;
- Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá.
– Đối với chính sách khoan hồng: chính sách khoan hồng được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh;
- Tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra;
- Khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm;
- Hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
Thủ tục
– Chính sách miễn trừ: các thành viên dự định tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm phải tiến hành nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ tại Ủy ban cạnh tranh quốc gia. Căn cứ trên hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, Ủy ban cạnh tranh quốc gia ra quyết định chấp thuận hoặc quyết định không chấp thuận cho các bên được hưởng miễn trừ.
– Chính sách khoan hồng: doanh nghiệp đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh muốn xin hưởng khoan hồng phải tiến hành liên hệ với Cơ quan quản lý cạnh tranh để khai báo và xin được miễn, giảm mức phạt tiền theo chính sách khoan hồng.
Lợi ích mà doanh nghiệp nhận được
– Chính sách miễn trừ đưa đến cơ hội cho các doanh nghiệp có một khoảng thời hạn nhất định được hưởng miễn trừ việc áp dụng các chế tài, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể dành thời gian tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được hưởng chính sách miễn trừ sẽ thoát khỏi hoàn toàn hình phạt (tức miễn trừ hoàn toàn). Tuy nhiên, quyết định cho hưởng miễn trừ không có giá trị vĩnh viễn, chúng luôn có giá trị trong một thời hạn nhất định, có thể được xem xét lại và có thể bị bãi bỏ theo quy định của pháp luật.
– Chính sách khoan hồng tồn tại dưới 02 mức độ khác nhau, có thể được giảm trừ hoặc miễn trừ hình phạt tùy thuộc vào điều kiện mà doanh nghiệp đó thỏa mãn. Mặt khác, chính sách khoan hồng không đặt ra thời hạn áp dụng, điều này được hiểu là nếu một doanh nghiệp nhận được quyết định cho hưởng chính sách khoan hồng thì đương nhiên nhận được quyền miễn/ giảm trên cơ sở xem xét toàn bộ quá trình hoạt động của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đó.
Trên đây là nội dung bài viết Điểm khác giữa chính sách khoan hồng và chính sách miễn trừ theo luật cạnh tranh. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Thủ tục đề nghị miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
Chính sách khoan hồng trong lĩnh vực cạnh tranh