Luật cạnh tranh Việt Nam cấm các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Vậy hành vi này được hiểu như thế nào và có những đặc điểm gì? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Khái niệm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018:
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Tác động hạn chế cạnh tranh là tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường.
Đặc điểm hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền
Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi là doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp có vị trí độc quyền:
Cạnh tranh là hiện tượng riêng có, mang tính tất yếu của nền kinh tế thị trường, và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng đóng vai trò trụ cột, đảm bảo sự vận hành năng động, hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sẽ dẫn đến việc các đối thủ tìm mọi cách tiêu diệt, thôn tính lẫn nhau để chiếm lĩnh thị trường và khẳng định sức mạnh kinh tế của mình dẫn đến hệ quả tất yếu là hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền. Các doanh nghiệp này có xu hướng tận dụng ưu thế của mình để thu được tối đa lợi nhuận và duy trì vị thế của mình.
Thứ hai, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, doanh nghiệp có vị trí độc quyền đã hoặc đang thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh được quy định hoặc mô tả trong pháp luật cạnh tranh:
Các hành vi hạn chế cạnh tranh mà các doanh nghiệp thường thực hiện là các hành vi bóc lột khách hàng, chèn ép đối thủ, ngăn cản sự gia nhập thị trường của các đối thủ tiềm năng nhằm thu được nhiều lợi nhuận, giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường. Đó là những hành vi cản trở cạnh tranh lành mạnh, không để cho cạnh tranh phát huy vai trò tích cực của nó trên thị trường. Tuy nhiên, trong một vụ việc hạn chế cạnh tranh nói chung và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền nói riêng, sau khi đã xác định được thị trường liên quan và vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền của doanh nghiệp, cần phải xác định hành vi của doanh nghiệp có phải là hành vi lạm dụng bị cấm hay không.
Thứ ba, hậu quả của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền:
Khác với các vụ việc dân sự, kinh tế thông thường luôn yêu cầu phải có một bên đưa ra thì các cơ quan đại diện Nhà nước mới can thiệp vào mối quan hệ giữa các bên, vụ việc liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền có thể được cơ quan nhà nước can thiệp bất kì lúc nào nếu phát hiện ra có dấu hiệu của hành v. Tùy thuộc vào cách nhìn nhận, sự điều chỉnh và các chính sách đối với nền kinh tế ở mỗi quốc gia, khu vực mà pháp luật cạnh tranh sẽ điều chỉnh hành vi lạm dụng ở các mức độ khác nhau. Muốn đảm bảo tuyệt đối sự cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, cá nhân thì chủ thể có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp điều tra, xử lý đối với các hành vi này ngay khi nó xuất hiện, dù nó có mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn thiệt hại mà nó gây ra cho các chủ thể khác trên thị trường.
Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm
Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm:
– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
– Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
– Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
– Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
– Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
– Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
– Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm:
– Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
– Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
– Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
– Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
– Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
– Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;
– Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;
– Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.
Trên đây là nội dung bài viết Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi.
Xem thêm:
Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm
Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp